Trong buổi phát thanh, các em đã được nghe phát thanh viên Tú Ngân lớp 8B cung cấp thêm những kiến thức về quá trình hình thành cũng như các câu chuyện xoay quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - một phần máu thịt thiêng liêng của đất nước ta.
Nước ta có 28 tỉnh thành giáp biển, vùng biển nước ta có diện tích gấp 3 lần diện tích đất liền. Biển bao quanh đất liền, trên biển nhô lên hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ tạo thành vòng đai bảo vệ Tổ quốc. Theo một số truyền thuyết kể lại rằng: Vào thời xa xưa khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm đe dọa, Ngọc Hoàng liền phái rồng mẹ mang theo một đàn rồng con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc vừa từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ, đàn rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc, biến thành muôn ngàn đảo đá như bức tường thành vững chắc trên biển chặn đường tiến của chúng. Đoàn thuyền giặc đang lao nhanh bị chặn đột ngột đâm vào các đảo đá và va vào nhau vỡ tan tành, trong vô vàn đảo đá đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng gồm trên 30 đảo, đá, cồn, san hô và bãi cạn. Về yếu tố quân sự, đảo Hoàng Sa là đảo chính của quần đảo. Trên đảo Hoàng Sa có bia chủ quyền do người Pháp dựng lên năm 1938, ghi nhận lại chủ quyền chính thức của Việt Nam từ năm 1816.
Quần đảo Trường Sa là huyện đảo của tỉnh Khánh Hòa bao gồm trên 100 đảo nổi, đảo chìm lớn nhỏ, chia làm 8 cụm. Với vị trí giữa biển Đông, quần đảo Trường Sa có lợi thế về dịch vụ hàng hải, chứa nhiều nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản, trong đó dầu khí được xem là nguồn tài nguyên lớn. Cho đến nay, Việt Nam đang quản lý 21 đảo, đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được người Việt khai thác từ rất sớm, gọi chung một tên nôm là Bãi Cát Vàng. Vào nửa thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức “Đội Hoàng Sa” lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hoá, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quí hiếm. Chúa Nguyễn lại tổ chức thêm “Đội Bắc Hải” lấy người thôn Tư Chính hoặc xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận, cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa với cùng nhiệm vụ như đội Hoàng Sa.
* Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Khi thành lập đội Hoàng Sa, cứ hàng năm, người của đảo Lý Sơn lại được tuyển mộ vào đội này làm binh, phu đi khai thác và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa, gọi là “thế lính”. Mỗi cuộc đi ra biển vô cùng khó khăn, nhất là ra đảo ngoài khơi xa như Hoàng Sa. Do đó, khi nhà vua cử các đội đi Hoàng Sa, đều cho mỗi người lính mang theo 1 đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây và 1 tấm thẻ bài có khắc tên họ, bản quán để phòng xa, nếu chẳng may tử nạn thì những người lính đi cùng sẽ bỏ xác vào chiếu thả trôi trên biển, may ra được trôi dạt vào bờ có người vớt chôn và biết tên họ. Cứ tháng 2 âm lịch hàng năm, 5 chiếc thuyền buồm vượt đại dương tiến ra quần đảo Hoàng Sa để tuần tra canh phòng đến tháng 8 âm lịch lại dong buồm trở về đảo Lý Sơn.
Tuy nhiên, hàng vạn binh phu đi làm nhiệm vụ thiêng liêng vì Tổ quốc đó không được mấy người trở về qua sóng dữ bão tố, thịt xương và linh hồn họ đã hòa vào biển cả. Tại đảo Lý Sơn, hàng trăm mộ gió, còn gọi là mộ không xác người, vẫn tồn tại qua năm tháng. Chính vì vậy, ngày nay trên đảo vẫn lưu truyền câu hát:
“Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Câu ca đã nhắc đến hàng trăm số phận của những hùng binh trong đội Hoàng Sa. Vì thế nên mỗi lần các binh phu chuẩn bị đi Hoàng Sa là các tộc họ làm Lễ Khao lề thế lính.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được diễn ra tại sân Đình của làng, các bô lão họ tộc trên đảo Lý Sơn sẽ khấn nguyện trước bài vị các hùng binh Hoàng Sa, sau đó họ thả thuyền tế lễ ra biển. Thuyền lễ gồm 5 chiếc mô phỏng theo 5 chiếc thuyền ngày xưa các đội hùng binh dùng để vượt biển đi làm nhiệm vụ: trên thuyền gồm có bài vị, hình nhân thế mạng, thịt, gạo, muối, lương khô…
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ là lễ thức nhằm tri ân những người đã bỏ mình giữ gìn quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam, mà còn là dịp để ôn lại truyền thống giữ nước của các thế hệ cha ông, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ với mong muốn lớp con cháu hôm nay tiếp tục giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam và một lần nữa khẳng định quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam.
* Cây bàng quả vuông – loài cây biểu tượng ở Trường Sa
Một trong những loài cây biểu trưng cho sức sống mãnh liệt cùng tình yêu vẹn toàn với biển cả quê hương của người lính hải quân đó là những cây bàng vuông. Bàng vuông là một loài cây gỗ đặc trưng của các vùng đảo biển. Do cây quả hình đèn lồng 4, hoặc 5 cạnh vuông, lá giống lá bàng nên được gọi là cây bàng vuông. Hoa bàng vuông chỉ nở về đêm, có hương thơm thanh khiết, nhụy hoa bung ra màu trắng, phía đầu tím biếc với lớp phấn vàng.
Cây bàng vuông có sức sống mãnh liệt. Quanh năm nơi đảo xa đầy sóng gió với nước biển mặn chát, vậy mà cây vẫn xanh tốt, lá bàng rất ít rụng và không có kỳ thay lá. Thân cây bàng chắc và dẻo chịu được các trận bão lớn, rễ cây vững chắc bám sâu vào lòng đá san hô cùng với cây phong ba, mù u, dừa… giữ lại nguồn nước mưa quý hiếm cho đảo và chống chọi lại sự xâm nhập của những con sóng, gió, bảo vệ cho đảo. Cây bàng quả vuông mộc mạc chân tình như những người lính kiên cường, hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng cũng thật khiêm tốn, thân thương gần gũi như những người lính đảo.
* Tượng Trần Hưng Đạo trên đảo Song Tử Tây
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là một Đại danh tướng, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa, với ý chí quật cường, trí thông minh và tài thao lược khi cầm quân – nhất là thủy quân (ngày nay là hải quân), góp công lớn cùng quân và dân nhà Trần lập kỳ tích oanh liệt ba lần đại phá đại quân Nguyên Mông xâm lược thế kỷ XIII.
Với tài đức văn võ song toàn chói lọi, từ nhiều thế kỷ nay, Trần Hưng Đạo – Danh tướng Việt Nam duy nhất – được nhân dân ta suy tôn bậc thánh nhân (Đức Thánh Trần), lập đền thờ tôn nghiêm trang trọng khắp ba miền.
Tượng người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo với tay phải cầm Hịch tướng sĩ, tay trái đặt lên đốc kiếm, oai nghiêm nhìn thẳng ra phía biển. Trong con người Đức Thánh Trần, cái văn là chính. Văn chính là chiến lược, văn chỉ đạo võ, nên tay phải ông cầm Hịch tướng sĩ đặt lên tâm, còn tay trái đặt lên kiếm. Trần Hưng Đạo không cầm kiếm mà tay tì lên đốc kiếm. Hình ảnh ấy thể hiện được tinh thần của dân tộc Việt Nam, một dân tộc không bao giờ muốn chiến tranh, luôn yêu chuộng hòa bình nhưng cũng luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù xâm lược.
Dựng tượng ông trên quần đảo Trường Sa sẽ tiếp thêm ý chí và sức mạnh dân tộc, khí phách và hào khí Việt Nam cho quân và dân nơi quần đảo tiền tiêu, cũng là để nhắn gửi tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, gian khổ để bảo vệ vững chắc vùng biển đảo của Tổ quốc.
Nguồn: Sưu tầm