Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, nếu như đường Hồ Chí Minh trên bộ được ví là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” thì đường Hồ Chí Minh trên biển lại gắn liền với hình ảnh những con tàu "không số" đầy bí ẩn giữa đại dương bao la. Cho đến nay, có biết bao nhiêu tài liệu đã được công bố và biết bao nhiêu cuốn sách đã được viết ra nhưng vẫn chưa giúp người đọc thỏa mãn một câu hỏi: Tại sao việc ngăn chặn cuộc lưu thông huyết mạch Bắc - Nam bằng những phương tiện hiện đại nhất của một cường quốc quân sự lại bị thất bại bởi những con người bình thường với những phương tiện thô sơ? Sự “không biết” đó càng chứng tỏ rằng ngoài những điều thần kỳ của ý chí, tài năng và cách tổ chức, còn có một điều thần kỳ nữa: chính là Sự bí mật! và qua những câu chuyện chân thực, cảm động trong sách huyền thoại tàu không số, bí mật đã dần sáng tỏ.
Tiền thân đường Hồ Chí Minh trên biển là hải lộ ven bờ do những người trong hàng ngũ Việt Minh ở Nam Bộ thực hiện lần đầu tiên. Tháng 4 năm 1946 tại vùng đất Thạnh Phong (xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre, khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre quyết định tổ chức mở tuyến đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển (sau này là đường Hồ Chí Minh trên biển). Chuyến mở đường lịch sử do đồng chí: Đào Công Trường, Tư lệnh khu 8- Trưởng đoàn cùng các đồng chí Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Thị Định vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Sau 7 ngày thuyền lênh đênh trên mặt biển, các đồng chí đã vượt lên khó khăn, ra đến miền Bắc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tháng 11 năm 1946, trong một đêm đông, trời tối đen, gió bấc thổi mạnh, nữ tướng Nguyễn Thị Định đã chỉ huy đoàn thuyền nan xuất phát từ bến Đà Diễn – Phú Yên, lợi dụng sức gió vượt trùng khơi vận chuyển 12 tấn vũ khí vào Nam, vượt qua vùng địch tạm chiếm, đưa vũ khí cập bến Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre) an toàn, mở ra Con đường huyền thoại trên biển Đông… (Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển). Trong suốt quá trình tồn tại, đường Hồ Chí Minh trên biển có 2.000 lần tàu thuyền vượt biển, vận chuyển gần 160 nghìn tấn vũ khí, cập 19 bến bãi thuộc địa bàn 9 tỉnh miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của nước ta.
Từ những trang quân sử sơ lược với những con số thống kê; từ những tài liệu hiếm hoi với hình thức tối giản theo nguyên tắc bảo mật, và từ những lời kể đứt quãng của các chứng nhân đã ở tuổi “nhớ nhớ quên quên”,... từ những hiện trường đang bị xóa mờ bởi thời gian, tác giả đã làm sống lại một sự tích phi thường, làm nổi bật lên nghệ thuật quân sự nước ta trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. “Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”, cùng“muôn hình vạn trạng” của đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng ta đã bí mật vận chuyển trong công khai ngay trước sự giám sát chẽ của quân thù Điển hình là Đoàn 759 (Lữ đoàn 125) đã sáng tạo nhiều phương thức khó mà tìm thấy được một tiền lệ nào trong lịch sử vận tải đường biển của loài người, như trong những câu chuyện về “tàu hai đáy” – “phía trên ta để cá, để lưới; phía dưới sát đáy để vũ khí”, còn chiến sĩ thì trút bỏ áo lính để làm thường dân. Thuyền xuất phát từ những bến phía bắc vĩ tuyến 17 (tỉnh Quảng Bình) rồi đi gấp trong đêm vào các tỉnh phía Nam; có những chặng phải đi hai hoặc ba đêm. Cứ gần sáng, những chiếc thuyền đánh cá này phải tạm thời vào gần bờ để lẩn tránh tại những cơ sở đã được chuẩn bị sẵn sàng, trời tối lại lên đường. Phần lớn thời gian vận chuyển ngoài Tết là thời gian có gió bão, tàu tuần tiễu của địch không đi được, máy bay trinh sát của địch không nhìn thấy đó là cơ hội lên đường.Bởi vậy, mỗi lần “Tàu Không số” xuất phát là mỗi lần thử thách ý chí và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
12 câu chuyện trong tác phẩm “Huyền thoại tàu không số“ với những tiêu đề riêng, những hé mở riêng về những con người vô danh đã làm nên kì tích viết lên bản anh hùng ca làm nên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển thời kỳ chống Mỹ cứu nước khiến người đọc rung động.Tôi rất ngưỡng mộ trước lòng quả cảm của các chiến sĩ khi đọc đến đoạn vì phải giữ bí mật, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này, mỗi tàu đều được cài sẵn những khối lớn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ tức thì được khởi động bằng tay và bằng điện. Các thủy thủ đoàn đều được đơn vị tổ chức “Lễ truy điệu sống” trước khi khởi hành phòng khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ trên tàu sẽ tự kích nổ tàu để giữ bí mật. Để Tổ quốc vẹn toàn, để núi sông liền một dải Dù biết trước có thể sẽ hi sinh nhưng họ vẫn giữ vững lòng tin, không hề sợ hãi, không hề do dự, “ngồi” trên hàng tấn thuốc nổ để làm nhiệm vụ.
Sách “Huyền thoại tàu không số” đã góp phần làm bừng sáng con đường Hồ Chí Minh trên biển, tôn vinh lòng quả cảm của những con người, những con tàu làm nhiệm vụ đặc biệt trên biển chở vũ khí chi viện cho chiến trường Miền Nam, tô đậm tình đồng đội, tình quân dân cùng với sự chỉ đạo sáng suốt, mưu lược của Trung ương và Bộ Chính trị đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Bên cạnh đó, sách giúp ta thấy được những bài học kinh nghiệm về xây dựng ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Hai là phải xuất phát và bám sát thực tiễn. Ba là bài học trong công tác bảo vệ bí mật Bốn là, bài học mưu kế trong tác chiến.