Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, mỗi chúng ta lại không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ lại khoảnh khắc ngập tràn niềm vui chiến thắng của ngày 30 tháng 4. Đất nước ta sau bao năm chia cắt, nay non sông đã thu về một mối. Bài ca ra trận, bài ca chiến thắng được cất cao lên trong nắng Sài Gòn rực rỡ. Và trong niềm vui khôn xiết ấy, chúng ta không quên nhớ lại từng gương mặt những người chiến sĩ, những người mở đường cho xe ra tiền tuyến, những cung đường đã đi vào huyền thoại như một nhân chứng lịch sử đầy vẻ vang, hào hùng, oanh liệt và cũng thấm đẫm máu và nước mắt , thấm đẫm hồn dân tộc , nơi in dấu những bước chân và con tim luôn khắc sâu lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Một trong những nhà văn đã từng sống, từng chiến đấu trên mặt trận chiến trường miền nam, từng chứng kiến những giây phút sinh tử của đồng đội, đó là nhà văn Nguyễn Khắc Phê.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê sinh ra ở Hà Tĩnh, ông là hội viên hội Nhà văn Việt Nam. Trong cuộc đời sáng tác văn học của mình, ông đã dành nhiều tâm huyết cho mảng đề tài chiến tranh, trong đó phần lớn, các tác phẩm của ông viết đề tài những con đường giao thông vận tải, những cung đường đã đi vào huyền thoại gắn liền với hình ảnh những thanh niên xung phong, những quân nhân, những cô gái mở đường vừa tròn 18, đôi mươi, họ mang theo niềm tin và sức trẻ, tình yêu đất nước, không tiếc tuổi thanh xuân của mình để chiến đấu và hi sinh bảo vệ những con đường. Trong những tập truyện, tập kí sự của mình, nhà văn luôn khắc họa 1 cách chân thực và sinh động những gì diễn ra, nó tựa như thước phim lịch sử mang giá trị nhân văn sâu sắc. Trong các tác phẩm đó, phải kể đến tập kí sự mang tên “NHỮNG NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG NGÀY ẤY”
Cuốn sách :” NHỮNG NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG NGÀY ẤY” của tác giả Khắc Phê được Nxb Văn học xuất bản năm 2016. Cuốn sách có độ dày 400 trang, khổ cỡ 16x19 cm, bao gồm có 4 phần:
Phần 1: Những nhịp cầu dẫn lên con đường mới
Phần 2: Đường lên đỉnh cao
Phần 3: Giữ nhịp cầu nối 2 miền đất nước
Phần 4: Nghĩ trên con đường lớn
Cuốn sách là 1 tập kí sự đầy những kỉ niệm và hồi ức về một thời bom đạn của những nữ thanh niên xung phong, họ hát vang bai ca ra trận, họ như những ánh sao sáng lấp lánh tỏa rạng những cung đường lịch sử. Dù có khó khăn, hiểm nguy, gian khổ, nhưng họ vẫn hiên ngang bám trụ, quyết tâm nối nhịp những bờ vui, chờ đến ngày đất nước giải phóng, bắc nam sum họp một nhà. Đọc cuốn kí sự này, mỗi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ hôm nay sẽ tự hào hơn về tấm gương những bậc cha anh đi trước, để từ đó cố gắng học tập, tu dương, rèn luyện để tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và anh hùng cách mạng, dựng xây quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp./
Thư viện xin trân trọng giới thiệu, xin mời thầy cô và các em cùng đọc.!
Nguồn: Sưu tầm