Hờn căm bao lũ tham tàn phát xít/Dấn bước ra đi Kim Đồng lên chiến khu/Kim Đồng quê hương Việt Bắc xa mù/Kim Đồng thay cha rửa mối quốc thù…
Đó là mở đầu bài hát ca ngợi liệt sĩ Kim Đồng mà nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác năm 1945. Những lời ca hào hùng ấy chắc hẳn không xa lạ với mỗi thế hệ trẻ Việt Nam chúng ta.
Do hoàn cảnh lịch sử nên những tư liệu về cuộc đời Kim Đồng có những hạn chế. Thật may mắn, qua những đồng chí, đồng đội của Kim Đồng, như Đàm Minh Viễn, Bát Ngư, Lý Thị Nì, Nông Văn Thàn… Ngày nay chúng ta mới có điều kiện hiểu hơn về gương hi sinh của anh. Và tên của người thiếu niên anh hùng ấy cũng chính là tên một cuốn sách của nhà văn Tô Hoài mà chúng ta sẽ được tìm hiểu trong chuyên mục ngày hôm nay.
Hai chữ “Kim Đồng” hiện lên nổi bật trên trang bìa cuốn sách, không phải vì màu sắc rực rỡ mà chính bởi sự giản dị và ý nghĩa rất hay của cái tên ấy: “Kim Đồng” có nghĩa là “gang thép”.
Trước khi đến với cái tên Kim Đồng ấy, người thiếu niên anh hùng của chúng ta là cậu bé Dền trong sáng, ngây thơ. Dền cũng như bao đúa trẻ khác có những hành động, lời nói rất hồn nhiên. Nhưng sống trong thời kì chiến tranh, khi mà kẻ thù tàn ác, tuổi thơ của Dền đã phải tận mắt chứng kiến cảnh bố mình và bao nhiêu người làng bị đánh đập, bị lính bắt đi phu. Rồi đến khi bố Dền đi phu “chẳng bao giờ bố Dền về nữa”, Dền đã chứng kiến sự mất mát, đau khổ của mẹ. Và Dền bắt đầu tập làm người lớn để giúp đỡ mẹ, là “người đàn ông” trong gia đình cùng “gánh vác”việc nhà. Đọc truyện bạn đọc sẽ không khỏi bùi ngùi, xúc động trước những lời nói, những việc làm vẫn còn đậm nét trẻ con nhưng lại toát lên sự ngoan ngoãn, hiếu thảo rất đáng trân trọng của cậu bé Dền.
Cậu bé Dền đến với cách mạng cũng thật tự nhiên. Từ việc rình anh trai làm súng, tập rượt trên núi Dền cũng bắt chước làm theo. Đến khi biết anh mình ở trong đội tự vệ, có tên cách mạng là Cứu Quốc thì “Hai mắt Dền lóng lánh nhìn anh, thèm muốn, yêu quý”. Dền rất muốn được làm cách mạng dù biết nó rất nguy hiểm, gian nan.
Rồi cái ngày Dền mong mỏi ấy cũng đến. Dền được cử làm tổ trưởng Hội nhi đồng cứu quốc ở khu đó và có tên cách mạng là Kim Đồng. Kim Đồng rất nhanh trí và hay có sáng kiến. Cậu bé muốn được làm công tác giao thông liên lạc.
Trong một lần đi liên lạc về, Kim Đồng phát hiện bọn địch đang phục kích ngay cạnh nơi họp của Mặt trận Việt Minh. Ngay lập tức, Kim Đồng nhanh trí nghĩ cách đánh lừa để địch nổ súng về phía mình. Chính nhờ tiếng súng “báo động” ấy, các cán bộ của Mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng thoát khỏi vòng vây nguy hiểm của địch. Riêng Kim Đồng, khi bị trúng đạn của địch, anh chạy đến khu vực gần bờ suối Lê nin thì anh dũng hy sinh.
Kim Đồng là một trong số năm đội viên đầu tiên và được bầu làm đội trưởng Đội thiếu niên cứu quốc. Anh luôn thể hiện trí thông minh, lòng dũng cảm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Kim Đồng đã anh dũng hy sinh khi ở tuổi 14 và trở thành tấm gương sáng chói cho các thế hệ thanh, thiếu niên noi theo.
Nguồn: Sưu tầm