Nhiều người sinh ra, lớn lên không may mắn khi cơ thể bị khuyết tật. Tuy nhiên, không vì vậy mà họ lại buông xuôi, phó mặc cho số phận mà luôn nỗ lực vươn lên, là tấm gương sáng về nghị lực sống, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Một trong những nhân vật tiêu biểu ấy là chị Hà Bích Hảo, xã Yên Khánh (Ý Yên).
Khi mới sinh ra, cô bé Hà Bích Hảo xinh xắn và đáng yêu như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, đến 6 tháng tuổi trên mặt Hảo bỗng xuất hiện một vết bớt màu đỏ trên gò má phải, bố mẹ đã đưa em đi khám. Qua xét nghiệm chẩn đoán, Hảo bị bệnh u máu và phải điều trị bằng tia laser. Trong một lần điều trị, không may Hảo bị bỏng laser kéo lệch nửa khuôn mặt, kéo bên mắt phải sệ xuống và làm mất thị lực. Mất một bên tai và thính lực chỉ còn 7/10, nhưng những đớn đau về thể xác chưa là gì so với nỗi đau tinh thần mà Bích Hảo phải hứng chịu. Đến tuổi đi mẫu giáo, mẹ Hảo dẫn em đến trường nhưng bị cô giáo từ chối bởi khuôn mặt dị thường của Hảo đã khiến các bạn trong lớp hoảng sợ. Đến tuổi đi học lớp 1, bố mẹ Hảo cũng đưa em đi nhập học nhưng các thầy cô đã liệt Hảo vào dạng học sinh khuyết tật, không cho em vào danh sách lớp chính thức. Hảo chỉ là học sinh dự thính. Phải đến cuối năm lớp 2, với sự giúp đỡ nhiệt tình của một cô giáo trong trường, Hảo mới chính thức có học bạ.
Cứ như vậy, suốt thời niên thiếu đến thời sinh viên Hảo luôn mặc cảm trước sự dè bỉu của cộng đồng. Đã có lúc em thấy bế tắc, tưởng chừng như gục ngã. Nhưng rồi Hà Bích Hảo đã vượt qua giây phút yếu đuối nhất nhờ tình yêu vô bờ bến từ những người thân yêu. Gia đình không chỉ là điểm tựa vững chắc giúp Hảo vượt qua giây phút yếu đuối nhất mà còn là “bệ phóng” để em chạm tới chân trời tri thức. Với tình thương và sự hỗ trợ từ người thân, học xong tiểu học, THCS, Hảo tự ôn tập rồi thi đỗ và học tiếp lên THPT, trở thành một trong năm học sinh đứng đầu lớp, được trường chọn đi thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh. Như một cách để khẳng định mình, Hảo tiếp tục ôn thi và đỗ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với số điểm xuất sắc 25,5 điểm.
Rời quê lên Hà Nội, Hảo theo học 1 năm khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó, Hảo nhận thấy không hợp, dù trước đó là dân chuyên văn. Thời gian này, Hảo bắt đầu nghiên cứu về Khoa Giáo dục đặc biệt và quyết định ôn thi đại học một lần nữa, rồi tiếp tục thi đỗ. Kết thúc năm nhất, Hảo đi phỏng vấn và được nhận vào một trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ, cô trở thành tình nguyện viên. Được 2 tháng, người quản lý gọi cô ra trước tất cả giáo viên khác và nói: “Từ mai, em không cần phải đến đây nữa. Tất cả phụ huynh đều không thích có mặt em ở trong trường. Vì nếu em đến sẽ “lây” cho các con”. Hảo rất sốc, cô không hiểu tại sao một tai nạn y học có thể “lây bệnh” cho những đứa trẻ. Hảo rơi vào tuyệt vọng khi mọi nỗ lực, cố gắng và cống hiến đều không thể thay đổi được cái nhìn của xã hội. Họ không chấp nhận cô. Đã có lúc cô bi quan nghĩ đến chuyện tiêu cực để giải thoát. Nhưng Hảo đã nghĩ nhiều đến công lao và tình yêu thương vô bờ bến của bố mẹ để tiếp tục nỗ lực cố gắng.
Suốt quãng thời gian sau, Hảo không tham gia bất cứ chương trình tình nguyện, xã hội nào nữa. Cho đến khi cô xem một chương trình truyền cảm hứng, kể về câu chuyện của một cô gái khuyết tật người nước ngoài. Nhân vật ấy nói: “Nếu bạn có thể đi trên đôi chân của mình, làm được mọi thứ bằng đôi tay của mình, đó là bạn đã tốt hơn và hạnh phúc hơn những người như chúng tôi”. Câu nói đó đã khiến Hảo thức tỉnh. Ngay sau đó, Hảo đã lên mạng để tìm hiểu về những chương trình thiện nguyện rồi đăng ký tham gia. Lần đầu làm thiện nguyện, Hảo dẫn đoàn người khuyết tật, hầu hết ngồi xe lăn ở Đà Nẵng đi thăm Hà Nội. Cô giúp họ đẩy xe lăn, tìm nhà ở, hỗ trợ họ những việc nhỏ nhặt nhất. Khi về, họ có nói với Hảo rằng: “Hãy luôn cố gắng bởi vì có nhiều người khác như anh chị khuyết tật đây đang cần những người như em giúp đỡ”. Nhờ lời động viên đó, Hảo cảm thấy cô vẫn có giá trị, ít nhất là với cộng đồng yếu thế của mình. Từ đó, Hảo tích cực tham gia các câu lạc bộ, các chiến dịch vì cộng đồng và được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Sinh viên khuyết tật thành phố Hà Nội, làm tình nguyện tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Hảo tham gia một chương trình thiện nguyện dành cho trẻ tự kỷ. Tại đây, cô gặp gỡ nhiều phụ huynh, có người nhận ra và đồng cảm với cô. May mắn mỉm cười, Hảo được nhận vào làm ở trung tâm dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Chưa dừng lại ở đó, tháng 7-2022, Hảo bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành tâm lý. Cô còn được nhận vào làm quản lý dự án của tổ chức Helping Vietnam Children - một tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận mổ miễn phí cho các cháu bé có dị tật bẩm sinh hay di chứng tai nạn thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Cũng đúng thời điểm đó, chị ruột của Hảo gọi điện chia sẻ ở quê có 5 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nếu không được trợ giúp, các em có nguy cơ thất học. “Em nghĩ đến việc thành lập một quỹ nhỏ để hỗ trợ 5 em nhỏ này và lấy tên là Quỹ Mầm và những người bạn. Nhưng ban đầu, kêu gọi không có ai hỗ trợ nên em đã trích tiền lương để gây quỹ giúp các em. Chị gái cũng ủng hộ và đồng hành với em gây quỹ”, Hà Bích Hảo tâm sự.
Từ đó đến nay, “Quỹ Mầm và những người bạn” đã giúp đỡ nhiều trường hợp tai nạn giao thông, ung thư, hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh. Quỹ cũng đang hỗ trợ các bạn nhỏ được đến trường, tìm kiếm con chữ. Tiêu biểu như cháu Ngọc Anh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Yên Khánh. Từ khi sinh ra đến nay, Ngọc Anh chưa biết cha, mẹ mình là ai. Em bị bỏ rơi, rồi được các nhà sư Chùa An Lạc, xã Yên Khánh cưu mang. Được “Quỹ Mầm và những người bạn” giúp đỡ về tài chính, mỗi tháng 300 nghìn đồng để giúp em có tiền mua đồ dùng học tập. Hay em Khánh Ngân, học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Yên Khánh, bố mất khi mới 3 tuổi, mẹ là lao động tự do, hiện đang chăm bố chồng ốm, mẹ chồng bị suy thận, chạy thận 3 lần/tháng cũng nhận được 300 nghìn đồng/tháng. Số tiền không lớn nhưng đã giúp bé được đến trường mỗi ngày. Không chỉ có Khánh Ngân, Ngọc Anh mà còn một số trường hợp khác nữa, như em Nguyễn Thị Linh, học sinh lớp 1, hay em Hà Cao Thủy, xã Yên Khánh do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên cũng đang nhận được sự hỗ trợ về tài chính 300 nghìn đồng/tháng từ “Quỹ Mầm và những người bạn”.
Gieo “mầm” yêu thương, Hảo đã “gặt” trái ngọt. Khi biết về nỗi đau và những việc làm nhân ái của Hảo, các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí để thực hiện các ca phẫu thuật tạo hình khuôn mặt cho Hảo. Sau những tổn thương và đau đớn, giờ đây, Hảo đã có được những điều tưởng như chỉ có trong truyện cổ tích. Trong cuộc sống, sự khiếm khuyết là điều không ai mong muốn. Thế nhưng chính những khiếm khuyết lại là động lực khiến chúng ta muốn hoàn thiện mình hơn và trở nên hoàn hảo hơn mỗi ngày. Câu chuyện của Hà Bích Hảo đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là những người bị khiếm khuyết về ngoại hình. Dù không xinh đẹp, không hoàn hảo nhưng đừng bao giờ đánh mất đi nguồn năng lượng tích cực. Đối với Hảo công việc từ thiện là sự sẻ chia yêu thương, là niềm vui mà cô muốn “trao đi nụ cười để nhận lại hạnh phúc”./.
Nguồn: Sưu tầm